Như vậy hành trình tập Thiền Động Osho được 84 ngày liên tục. Tôi thấy 3 tháng tập theo cách này hiệu quả hơn 5 năm trước kia. Xin chia sẻ để chúng ta cùng trải nghiệm. Có thể điều này cũng hiệu quả với bạn!
Ngay như tên của phương pháp này: Thiền Động. Trong bài thiền này, chúng ta HÀNH ĐỘNG và QUAN SÁT. Qua việc hành động (thở, hò hét, nhảy múa), bên trong chúng ta (năng lượng, cơ thể, tâm trí, cảm xúc, .v.v) được khuấy loạn cả lên, và chúng ta có thể quan sát và trải nghiệm dễ hơn nhiều.
Bình thường, các phần trên trong chúng ta quyện với nhau, Thiền Động Osho như máy li tâm, nó giúp phân tách các phần này ra một cách rõ ràng.
Theo kinh nghiệm của tôi, khi thực hiện bài Thiền Động, tôi thấy có 3 nguyên tắc mà các vị Thầy và sách đã đề cập:
1) Luôn là người Quan sát
Chúng ta luôn là người quan sát. Chúng ta không làm, chúng ta không thở, chúng ta không nhảy, chúng ta không múa! Đơn giản chúng ta là người Quan sát, lùi lại phía sau và quan sát, chứng kiến cơ thể chúng ta đang thở, cơ thể đang nhảy, cơ thể đang múa.
Khi bạn là người Làm thì có mục tiêu, có trách nhiệm, .v.v. vì vậy có căng thẳng. Khi bạn là người quan sát thì việc thực hành trở nên rất thú vị và nhẹ nhàng.
Hãy tin vào cơ thể, nó có thừa thông mình và năng lượng. Bạn không cần phải chỉ đạo nó! Bạn chỉ cần là người khởi động và quan sát và bạn sẽ ngạc nhiên về chính mình.
2) Tuôn chảy và Bột phát
Bất cứ cái gì đến từ cơ thể, cảm xúc thì đi theo chúng. Khi thở, cứ để cơ thể thở, toàn bộ cơ thể trở thành việc thở. Khi múa cứ để cơ thể múa và bạn sẽ thấy hân hoan từ hoạt động nhảy múa.
Có 2 cách thực hiện:
- Cách 1: Tâm trí điều khiển Hành động: Bạn quyết tâm, cố gắng thực hiện bài tập;
- Cách 2: Bên trong (cảm xúc-năng lượng-tình yêu-… ) điều khiển Hành động
Cách 1 thì mệt mỏi và bạn khó kéo dài việc tập. Cách 2 rất vui, hân hoan và luôn mới mẻ. Vì vậy, hãy là người Quan sát và tuôn chảy theo cái Bên trong. Mỗi ngày bạn sẽ nhận ra được điều thú vị mới đến từ Bên trong. Cái mới không đến từ Tâm trí, cái mới đến từ Bên trong.
Đừng kìm nén bất cứ điều gì, khi hét cứ hét to hết cỡ, nhảy múa như trẻ con, thư giãn như nằm trên bãi biển …. Tuôn chảy theo cơ thể và cảm xúc! Hành động Bột phát và Không có quy tắc!
3) Thực hiện một cách Toàn bộ
Nếu tâm trí can thiệp thì bạn sẽ không Toàn bộ được. Cơ thể của bạn sẽ tách làm 2: một phần đi theo suy nghĩ – có nên tập hay không, có nên nhảy tiếp hay không; một phần thì vẫn hành động theo quán tính.
Khi bạn bị chia chẻ, bị phân tán thì bạn sẽ MỆT. Thực hiện bài tập một cách toàn bộ thì sẽ dễ hơn. Giữa chừng, đừng nghỉ, đừng dừng, đừng ngồi xuống. Trong bạn có thừa năng lượng để làm bài tập. Mệt một chút, nhưng bạn sẽ không chết đâu
Khi thở hãy thở bằng cả cơ thể, bạn sẽ thấy các bộ phận khác như vai, cổ được thư giãn; khi nhảy hãy nhảy toàn bộ, cơ thể sẽ trở nên mềm mại; khi múa, hãy múa toàn bộ, động tác của bạn sẽ uyển chuyển, duyên dáng.
Đây có vẻ là nghịch lý: làm với 100% lại dễ hơn làm với 99%. Thử mà xem!
Kết
Đối với tôi, tu tập là quá trình Nhận biết:
- nhận biết các các ý nghĩ sinh diệt ra sao, nhận biết Tâm trí “điều khiển” chúng ta như thế nào?
- nhận biết các cảm xúc xuất hiện-biến đổi như thế nào?
- nhận biết cơ thể hoạt động ra sao, năng lượng biến đổi thế nào?
- .v.v.
Quá trình Nhận biết này đến từ việc Quan sát chứ không phải là việc Suy luận, đọc qua sách vở.
Quá trình Nhận biết mang lại Trí huệ và nhờ Trí huệ giúp chúng ta được giải phóng khỏi những rào cản, chúng ta được Tươi mới, được Hân hoan.
Thiền động Osho là tấm gương tốt để soi chính mình. 3 nguyên tắc của Thiền động (Quan sát-Tuôn chảy-Toàn bộ) hình như cũng rất tốt và có thể áp dụng cho cuộc sống.
Cám ơn Osho, cám ơn Ananda, cám ơn chị Hằng và Zennova, cám ơn các bạn cho tôi trải nghiệm!
Chúc bạn ngày mới vui vẻ!
Ngày: 1/8/2015 - đăng bởi: QuangPN